Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

ĐỘ PHỦ SÓNG CỦA TRUYỀN HÌNH SỐ 2014

Tại hà nội, Ngày 26/7/2013, phiên họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Bắc Son - Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam và Lê Nam Thắng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Tham dự buổi làm việc có đại diện các đơn vị thuộc Bộ, các thành viên trong Ban chỉ đạo và Tiểu ban giúp việc Ban Chỉ đạo Đề án số hóa.





Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu tại buổi làm việc

Để hoàn thành đúng tiến độ triển khai giai đoạn 1 của Đề án, trước ngày 31/12/2015 hoàn thành tắt sóng truyền hình tương tự, chuyển đổi sang phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Tiểu ban giúp việc đề nghị: chậm nhất tới tháng 6/2014, 5 thành phố trực thuộc Trung ương phải được phủ sóng truyền hình số mặt đất, truyền tải các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của Trung ương và của 5 thành phố để các hộ dân đủ điều kiện làm quen với việc thực hiện chuyển đổi và thu xem được các kênh chương trình truyền hình số DVB-T2. Theo đó, Tiểu ban giúp việc đã đưa ra các phương án và lộ trình cụ thể nhằm đẩy nhanh việc thực hiện số hóa truyền hình mặt đất ở 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện tại chỉ có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được VTV phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2, truyền tải không khóa mã các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của Trung ương. Còn lại, các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của 5 thành phố trực thuộc Trung ương chưa được truyền tải trên sóng truyền hình số mặt đất. Do vậy, vấn đề cần đặt ra là cần truyền tải sớm các kênh chương trình truyền hình thiết yếu của địa phương trên sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại 5 thành phố được lựa chọn.

Bên cạnh việc xem xét các đề xuất về phương án cấp phép cho các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất khu vực, buổi làm việc có nhiều ý kiến xung quanh việc hỗ trợ phát triển hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất và hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho nhân dân; việc quản lý chất lượng dịch vụ và thiết bị thu, phát truyền hình số, các hoạt động thông tin tuyên truyền… Qua đó, Đà Nẵng được lựa chọn làm thí điểm việc số hóa truyền hình mặt đất và ngừng phát sóng truyền hình tương tự sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch (30/6/2015); kết hợp với phát sóng truyền hình số và ngừng phát sóng truyền hình tương tự cho địa bàn phía Bắc Quảng Nam.

Kết luận:

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son hy vọng chậm nhất tháng 6/2014, 5 thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được phủ sóng truyền hình số mặt đất. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp đưa ra phương án sẵn sàng hỗ trợ miễn phí cho người dân dựa trên hạ tầng sẵn có. Bộ trưởng cũng cho rằng, mặc dù được lựa chọn để triển khai thí điểm, Đà Nẵng cũng phải chấp hành những quy định chung và không có sự ưu tiên. Nhằm bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp và người dân, việc quản lý chất lượng thiết bị thu, cũng như hoạt động sản xuất, nhập khẩu thiết bị thu phải được xem trọng; cần có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban ngành liên quan nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái; việc hỗ trợ phát triển hạ tầng, các chính sách liên quan cần được thực hiện đúng. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan thông tấn báo đài cần tham gia tích cực vào việc tuyên truyền cho Đề án số hóa, làm sao để người dân, doanh nghiệp, cơ quan chính quyền địa phương hiểu đây là quan điểm đúng đắn của Đảng, Nhà nước, nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhiều kênh truyền hình hơn, chất lượng tốt hơn, đồng thời qua đó có thể tiết kiệm được tài nguyên số quốc gia.

AVG - Truyền hình An Viên là đơn vị tiên phong trong việc sử dụng dịch vụ truyền hình số mặt đất thế hệ thứ 2 (DVB-T2) để phủ sóng các thành phố trực thuộc Trung Ương bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và một số tỉnh, thành phố khác. Với công nghệ SFN (mạng đơn tần), Truyền hình An Viên – AVG chỉ dùng ba tần số để phủ sóng một khu vực rộng lớn, giúp tiết kiệm tài nguyên tần số của quốc gia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét